Insane


Đôi Mắt Hình Cánh Phượng


Tác giả: Ngân Hoàng


Tôi đi dạo một vòng quanh trường nội trú mới. Dừng chân bên một góc cây phượng còn một vài chùm hoa ở góc sân, tôi nhìn lên một lúc thì nghe tiếng nói từ phía sau lưng. Giật mình.

- Ðịnh trèo lên hái phượng à?

- Ðâu có... tôi... tôi...

- Hay chú muốn tìm ai?

- Không... chú... anh... vào trường chơi một chút đó mà.

Cô bé nhìn tôi từ đầu đến chân dò xét. Một lúc cô bé nói:

- Nhìn anh không phải là người tốt... í, lộn người xấu. À, anh học lớp mấy vậy?

- Theo nhỏ thì tôi học lớp mấy?

- Lớp 10 là cùng!

- Còn nhỏ? – Tôi hỏi lại.

- Lớp 9.

- Vậy mà tôi cứ tưởng nhỏ học lớp 12 chớ! – Tôi kê tủ đứng lại.

- Anh... chú... ông...

- Gì vậy nhỏ? Thôi tôi đi nghen. Bye!

Tôi rảo bước trở về phòng mình. Ðêm ấy trong giấc mơ tôi thấy ánh mắt giận dữ của cô bé sắc như lá sậy ở quê tôi.

Những giây phút lạ trường, lạ lớp, lạ bạn bè, thầy cô ban đầu không còn nữa. Tôi vào học ngay cái lớp giống như “lạc vào Tây Lương nữ quốc”, tỉ số trong lớp gồm 24 nữ và 11 nam.

Một hôm, lớp tôi kiểm tra một tiết tập trung toàn khối vào tiết thứ năm nên ra trễ. Vừa đi xuống thang lầu thì gặp cô bé với một xâu chìa khóa trên tay, tôi nói:

- Chào nhỏ.

Cũng với ánh mắt dò xét như lần đầu, cô bé nói:

- Ông anh là ai vậy?

- Bộ nhỏ không nhớ tôi hả?

- Hông. Ba em nhốt mấy người đi trễ ở ngoài nhiều lắm. Mỗi lần như thế họ đều năn nỉ em mở cửa cho vào. Nhiều người lắm em hổng nhớ đâu.

- Tôi chưa hân hạnh được nhỏ mở cửa cho đi vào trường vì tội đi trễ. Nhỏ không nhớ tôi thật sao?

- Thật mà – Cô bé khẳng định.

- Tôi là cái chú... anh... ông... bữa kia đó.

- À, thì ra là vậy.

- Trí nhớ của nhỏ kém thật!

Tôi nghĩ là cô bé sẽ phản ứng lại trước câu trêu chọc của tôi, nhưng không. Cô bé chậm rãi nói:

- Mỗi lần gặp ông anh đều để lại cho em ấn tượng khó quên.

- Thật không?

- Thật. Lần trước gặp ông anh em vừa giận vừa tức... cười cho một anh chàng ngổ ngáo.

- Rồi làm sao hết giận và tức? – Tôi hỏi.

- Ăn. Ăn là một biện pháp hữu hiệu nhất để giải tỏa nỗi buồn.

- Câu nói hay nhất trong tháng! Chiều nay mời nhỏ đi ăn bún cua nha.

- Rất tiếc bây giờ em không buồn. – Cô bé nhún vai – Bây giờ em phải đi khóa tất cả các lớp lại.

- Thì ra nhỏ là con chú Sáu bảo vệ à?

- Ðúng.

- Tôi sẽ giúp nhỏ khóa hết các lớp học. Sau đó chúng ta sẽ đi ăn bún cua. Nhỏ đừng nghĩ là ta buồn nhưng cái bao tử của chúng ta thì hình như đang buồn.

- Em chịu thua ông anh luôn. – Cô bé vừa lắc đầu vừa cười.

Ðến bây giờ tôi mới biết tôi và cô bé cùng cư ngụ trong “khu vực” của trường. Nhà chú Sáu bảo vệ - ba cô bé - nằm ở một góc sân. Trước cửa một bên là cây phượng già cỗi, một bên là cái giá treo một cái trống lớn. Cô bé đề nghị tôi để gạo và đồ ăn bên nhà để nấu giùm tôi luôn. Mỗi bữa cơm tôi chỉ qua phụ dọn rồi cùng ăn với cô bé và chú Sáu. Một hành động đẹp, dại gì tôi không chấp nhận (!)

Cái tin tôi quen thân với cô bé nhanh chóng lan ra trong lớp. Bọn con trai thường đi trễ nhìn tôi với ánh mắt cảm phục nửa như van lơn. Từ lâu cô bé được mệnh danh là “cô bé tim đá”, bởi vì một lẽ đơn giản bất chấp mọi lời van xin, cô bé không bao giờ mở cổng cho những học sinh đi trễ vào trường.

Một buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, tôi phụ cô bé rửa chén ở sau nhà. Tôi hỏi:

- Nhỏ chấp nhận lời rêu rao và biệt danh là “cô bé tim đá” à?

Cô bé im lặng, chỉ có tiếng nước xối mạnh hơn.

Tôi hỏi tiếp:

- Tại sao nhỏ không trả lời?

- Ông anh lúc nào cũng chỉ biết đặt câu hỏi cho người khác. Có những câu hỏi mà ý nghĩa của chúng chính là ở chỗ không có câu trả lời. Ông anh hiểu chứ?

- Hơi... hơi hiểu.

- Mọi người nghĩ về em thế nào em không ngại. Chỉ sợ... ông anh nghĩ xấu về em thôi.

- Không bao giờ.

- Em không tin.

Tôi đưa tay lên trời định thề một câu để cô bé tin, nhưng cô bé ngăn lại:

- Những người hay thề thốt thường giả dối.

- Nhưng tôi thì ngược lại.

- Em không tin. Ông anh có khi lại gấp đôi những người đó.

Nói xong, cô bé ném về cho tôi một nụ cười lém lỉnh. Tôi với tay hái một trái chùm ruột gần đó đưa lên nói:

- Nụ cười của nhỏ đẹp như... trái chùm ruột này.

- Ðó là trái chùm ruột chua mà.

- Mặc kệ, chua mà ngọt chứ đừng ngọt mà chua.

Tôi quăng trái chùm ruột lên cao đưa miệng hứng lấy. Thấy vậy, cô bé nhăn mặt.

- Chua quá!

Khoảng nửa tháng tôi về thăm quê một lần. Thường thì sáng thứ hai vừa lên tới, tôi để đồ trong phòng rồi chạy vội lại nhà cô bé. Căn nhà đóng cửa. Gặp một thầy giám thị đi ngang, tôi hỏi:

- Chú Sáu đi đâu mà đóng cửa vậy thầy?

- Hình như con chú ấy bệnh tối qua chở vô nhà thương rồi. À tới giờ đánh đổi tiết, để thầy vô đánh trống.

- Dạ, cám ơn thầy.

Tôi chạy vội qua bệnh viện. Ði vòng vòng tìm một lúc không thấy, tôi định trở về, chợt thấy chú Sáu từ dãy hành lang đằng xa đi ra. Tôi mừng rỡ chạy lại:

- Chú Sáu.

- Minh hả con. Con nhỏ tối qua bị bệnh...

- Nhỏ nằm phòng nào vậy chú?

- Kia kìa. Con vô thăm nó đi. Chú ra ngoài xin miếng nước sôi.

- Dạ.

Cô bé đang ngủ, khuôn mặt cô bé khi ngủ nhìn thánh thiện làm sao. Lúc này tôi mới chú ý, cô bé ốm nhiều và xanh xao thấy rõ. Tôi không dám gây tiếng động mạnh sợ cô bé thức giấc. Một lúc lâu, cô bé trở mình. Giường bên cạnh có tiếng ho lớn làm cô bé thức giấc. Mở mắt ra thấy tôi, cô bé tỏ ra vui mừng:

- Em tưởng đâu không còn gặp lại ông anh nữa chớ.

- Sao vậy?

- Tự dưng em ngất xỉu, tỉnh dậy thấy nằm trong đây.

- Bây giờ cảm thấy thế nào rồi?

- Em cảm thấy khỏe nhiều rồi.

- Vậy thì tốt.

oOo


Mới đó mà đã ba năm rồi! Một mùa hoa phượng nữa lại tới. Tôi đang tất bật ôn thi. Cô bé thì dạo này hay trở bệnh lắm. Căn bệnh tim của cô bé nếu chữa trị khỏi phải rất tốn kém. Nhưng với số tiền lương khiêm tốn của cha cô bé, liệu có thể đủ không?

Tôi phải tìm cách giúp đỡ cho cô bé.

Thế rồi kỳ thi tốt nghiệp, tôi cũng đã thi xong.

Tôi chia tay cô bé lên thành phố thi Ðại học. Ðêm ấy, chúng tôi đã ngồi rất lâu dưới gốc cây phượng trước nhà cô bé. Cả hai đều lặng im bởi có lúc âm thanh là vô nghĩa. Mấy con ve trên cành thi nhau hòa âm những khúc nhạc buồn. Tôi quay qua vuốt tóc cô bé:

- Cố gắng giữ sức khỏe nghen nhỏ.

- Ông anh cũng vậy nha!

- Ừ.

Thế rồi cả hai lại im lặng. Ðến khi tôi đứng dậy chuẩn bị về, tôi nắm lấy tay em nói:

- Ðợi anh về nha. Anh sẽ chữa khỏi bện cho nhỏ.

Trong đêm, hai ánh mắt của cô bé như hai vì sao sáng. Hai vì sao ấy đang lung linh. Không, cô bé đang khóc, chẳng biết cô bé khóc vì sao? Vì bệnh của mình hay là vì lời hứa của tôi? Tiếng ve trên cành như ngừng lại trước câu nói của cô bé:

- Vâng, em sẽ đợi anh.

Chỉ chờ có vậy, mấy con ve trên cành lại tiếp tục làm nhiệm vụ của nó. Ðôi mắt của cô bé lúc này sao giống như hai cánh phượng vĩ tròn và to. Tôi biết, đôi mắt ấy sẽ chắp cánh cho ước mơ của tôi sớm thành sự thật.